Tin vắn

Rau sạch là gì? Thực hư rau sạch “nhà trồng”?

Có một thực trạng là rất nhiều quầy “rau sạch nhà trồng” hiện nay trên thị trường chỉ mang tính chất “tự xưng” vì không tuân theo quy trình trồng rau sạch đúng chuẩn.

Người trồng rau tự cho rau mình là sạch, người mua cũng bán tín bán nghi. Vậy thực tế rau sạch là gì và lý do vì sao hầu hết “rau nhà trồng” được bày bán tại các chợ không phải là rau sạch?

1/ Rau sạch là gì? 

Trước thực trạng rau củ quả có sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, vi khuẩn, hóa chất gây bệnh được bày bán tràn lan trên thị trường, không ít gia đình bắt đầu tự trồng rau sạch tại nhà để an tâm hơn, số khác không có diện tích trồng rau đành phải tìm kiếm các nguồn rau sạch trên thị trường, các quầy “rau nhà tự trồng” được bày bán tại các chợ là một trong những lựa chọn thường thấy.
Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết những quầy rau sạch này chỉ mang tính chất “tự xưng”.


Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa (Giám đốc TT Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới), để được gọi là rau sạch cần đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm 4 yếu tố sau:
  • Rau không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
  • Hàm lượng đạm nitrat (chất gây ung thư) dưới ngưỡng cho phép
  • Không tồn dư hàm lượng kim loại nặng 
  • Không tồn tại vi sinh vật gây hại (điển hình như E. Coli, Salmonella, trứng giun, sán, ký sinh trùng amip…)
Để đáp ứng được các yếu tố trên, rau sạch cần được trồng ở vùng đất sạch, chưa bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng. Trong quá trình trồng, vẫn có thể sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân đạm nhưng cần đảm bảo rau thành phẩm không tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng đạm nitrat phải dưới ngưỡng cho phép. Đặc biệt rau cần thu hoạch đúng quy trình, không thu hoạch sớm dễ tồn dư hóa chất….
Tuy nhiên trên thực tế không ai biết chắc rằng người trồng rau có đáp ứng được các quy trình ở trên hay không, vùng đất, nguồn nước có đảm bảo và liệu họ có vì lợi nhuận mà thu hoạch sớm ngay sau khi phun thuốc… Điều đáng nói là các quầy “rau sạch tự trồng” được bày bán tại các chợ hầu như không có giấy chứng nhận, kiểm định nào uy tín, cụ thể. Vậy nên, khi mua rau, người tiêu dùng cũng cần hết sức lưu ý để tránh “tiền mất tật mang”.

2/ Lựa chọn thực phẩm hữu cơ: xu hướng mới của người nội trợ hiện đại

Khi mà những nhập nhằng và mơ hồ trong việc tuân thủ các quy định về chuẩn rau sạch của người trồng rau vẫn chưa được xử lý thì ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt hiện đại có xu hướng lựa chọn rau hữu cơ, thực phẩm hữu cơ. Bởi với những quy định, tiêu chuẩn gắt gao của thực phẩm hữu cơ, người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm cho bản thân và cả gia đình sử dụng.
Rau hữu cơ khác gì với rau sạch?
Cũng giống như rau sạch, để được chứng nhận là rau hữu cơ, chúng cần đáp ứng được các quy chuẩn cụ thể trong quá trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch, phân phối.
Tuy nhiên, những quy chuẩn này luôn minh bạch, rạch ròi, thậm chí là khắt khe để hạn chế tối đa tình trạng “tự xưng”, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng.


Rau hữu cơ được trồng khép kín
Để trồng được rau hữu cơ, farm trồng rau cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về nguồn đất, nước không chứa kim loại nặng, khép kín cách xa khu vực nhà máy, xí nghiệp… Những yếu tố này sẽ được các tổ chức hữu cơ kiểm định định kỳ và cấp giấy chứng nhận hàng năm. Vậy nên điểm khác biệt đầu tiên giữa rau sạch và rau hữu cơ đó là rau hữu cơ được trồng tại farm đạt chuẩn được kiểm tra định kỳ.

Rau hữu cơ 100% không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...
Nếu như rau sạch có thể được phép sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì với rau hữu cơ, quy trình trồng trọt và chăm sóc không có sự can thiệp của hóa chất. Phân bón hóa học sẽ được thay thế bằng phân bón từ tự nhiên, thuốc trừ sâu sẽ được thay thế bằng các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh thủ công (sử dụng thiên địch, bẫy côn trùng, xen canh, luân canh…). Vậy nên nếu hoài nghi rau sạch còn tồn dư dư lượng thực vật thì với rau hữu cơ người tiêu dùng sẽ an tâm không có sự xuất hiện của bất cứ loại hóa chất nào.

Thu hoạch đúng vụ
Rau hữu cơ sẽ được trồng theo mùa vụ và thu hoạch đúng quy trình, ở thời điểm rau đạt chuẩn và thường là cuối ngày để tránh rau bị héo. Khi thu hoạch, rau sẽ được xử lý nhanh chóng (loại bỏ lá hư, lá vàng…) để giúp rau luôn tươi ngon, giữ được dinh dưỡng cao, sau đó cập nhật thời hạn sử dụng và di chuyển đến các cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Số lượng rau hữu cơ thu hoạch thường ít nên thường tiêu thụ nhanh.
Trên đây chỉ là những tiêu chí cơ bản của quy trình trồng rau hữu cơ, với thực phẩm hữu cơ nói chung sẽ còn khá nhiều quy định khắt khe khác cần đáp ứng. Qua đó mới thấy không chỉ trên thế giới mà ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt tin dùng thực phẩm hữu cơ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như giảm các tác động gây hại cho môi trường.
“Sức khỏe là vô giá”. Vậy nên ai cũng muốn lựa chọn những nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cho bản thân và cả gia đình. Tuy nhiên, để tránh rơi vào bẫy của người bán hàng, người mua cần tỉnh táo và thận trọng khi lựa chọn, nên tìm mua thực phẩm tại các cửa hàng uy tín, có chứng nhận rõ ràng thay vì tin vào những lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn là “rau nhà tự trồng”.

Không có nhận xét nào